Vatican News
Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ Chúa Thánh Thần
Trình thuật Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-11) cho chúng ta thấy hai lĩnh vực hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội: nơi chúng ta và nơi sứ mạng, với hai đặc điểm: sức mạnh và sự tinh tế.
Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta thật mạnh mẽ, được biểu tượng bằng những dấu chỉ gió và lửa, mà trong Kinh Thánh thường gắn liền với quyền năng của Thiên Chúa (x. Xh 19,16-19). Nếu không có sức mạnh này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đánh bại sự dữ, cũng không thể chiến thắng những ham muốn xác thịt mà Thánh Phaolô nói: “sự ô uế […], thờ ngẫu tượng [ …], bất hòa […], đố kỵ” (x. Gl 5,19-21). Với Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể chiến thắng. Người ban cho chúng ta sức mạnh để làm điều đó, bởi vì Người bước vào con tim “khô khan, cứng cỏi và lạnh lùng” của chúng ta” (x. Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần). Những xung động ấyhủy hoại mối tương quan của chúng ta với người khác và chia rẽ cộng đoàn của chúng ta. Và Chúa Thánh Thần đi vào con tim để chữa lành tất cả.
Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy điều này khi được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người rút lui vào hoang địa bốn mươi ngày (xem Mt 4,1-11) để chịu cám dỗ. Và trong thời gian đó nhân tính của Người cũng lớn lên, được củng cố và chuẩn bị cho sứ mạng.
Đồng thời, hành động của Đấng Bảo Trợ trong chúng ta cũng rất tinh tế. Gió và lửa không hủy diệt hay thiêu hủy những gì chúng chạm vào: gió lấp đầy ngôi nhà nơi các môn đệ đang ở, trong khi lửa đáp xuống một cách tinh tế, dưới hình lưỡi lửa, trên đầu mỗi người. Và sự tinh tế này cũng là một đặc điểm hoạt động của Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy nhiều lần trong Kinh Thánh.
Và thật tuyệt vời khi thấy bàn tay khỏe mạnh và cần cù, trước tiên đã đào xới những đống đam mê, sau đó khéo léo trồng những cây đức hạnh nhỏ bé, “tưới nước” cho chúng, “chăm sóc chúng” (xem Ca Tiếp Liên) và bảo vệ chúng bằng tình yêu, để chúng lớn lên và trở nên mạnh mẽ hơn, và sau bao mệt mỏi chiến đấu chống lại sự dữ, chúng ta có thể nếm được vị ngọt của lòng thương xót và sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là như thế, Người ban cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng, và Người cũng tế nhị. Chúng ta nói về sự xức dầu của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần xức dầu chúng ta và ở với chúng ta. Như một lời cầu nguyện tuyệt vời của Giáo hội cổ xưa đã nói: “Lạy Chúa, xin cho sự hiền lành của Chúa ở lại với con và cũng như vậy với hoa trái tình yêu của Chúa!” (Odes of Solomon, 14,6).
Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự xuống trên các môn đệ và trở nên gần gũi –“Đấng an ủi” - hành động bằng cách biến đổi tâm hồn họ và truyền vào họ một “sự táo bạo thúc đẩy họ truyền cho người khác kinh nghiệm về Chúa Giêsu và niềm hy vọng đã dẫn dắt họ” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris missio, 24). Rồi Phêrô và Gioan làm chứng trước Tòa Công luận, khi người ta cố gắng cấm cách họ “không được nói hay giảng dạy nhân danh Chúa Giêsu” (Cv 4,18), họ trả lời: “Chúng tôi không thể im lặng về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (c. 20). Và để nói được điều này, họ có sức mạnh của Thánh Thần.
Và điều này cũng quan trọng đối với chúng ta, những người đã được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Từ “nhà tiệc ly” của Vương cung thánh đường này, giống như các Tông đồ, chúng ta được sai đi, đặc biệt hôm nay, loan báo Tin Mừng cho mọi người, “luôn luôn đi xa hơn, không chỉ về mặt địa lý, mà còn vượt qua các rào cản sắc tộc và tôn giáo, để thực hiện một sứ mạng phổ quát thực sự” (Tông huấn Redemptoris missio, 25). Và nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể và phải làm điều đó với cùng sức mạnh và sự tinh tế như thế.
Với cùng một sức mạnh: nghĩa là, không phải bằng sự chuyên chế và áp đặt – Kitô hữu không được chuyên chế, sức mạnh của họ nằm ở chỗ khác, là sức mạnh của Thánh Thần. Sức mạnh ấy cũng không phải bằng những tính toán và xảo quyệt, nhưng bằng năng lượng đến từ trung thành với sự thật, điều mà Chúa Thánh Thần dạy cho tâm hồn chúng ta và làm lớn lên trong chúng ta. Và vì vậy chúng ta chỉ quy phục Thánh Thần, chúng ta không quy phục sức mạnh của thế gian, nhưng tiếp tục nói về hòa bình cho những ai muốn chiến tranh; nói về sự tha thứ cho những ai gieo rắc sự báo thù; nói về sự chào đón và liên đới với những người chặn cửa và dựng lên những rào cản; nói về sự sống cho những ai chọn cái chết; nói về sự tôn trọng cho những kẻ thích hạ nhục, xúc phạm và loại bỏ; nói về sự trung thành cho những người từ chối bất kỳ mối ràng buộc nào, khi nhầm lẫn tự do với chủ nghĩa cá nhân hời hợt, mờ mịt và trống rỗng. Chúng ta không để mình bị đe dọa bởi những khó khăn, hoặc bởi sự chế nhạo, hay bởi sự chống đối, mà hôm nay cũng như hôm qua, không bao giờ thiếu trong đời sống tông đồ (xem Cv 4,1-31).
Đồng thời, khi chúng ta hành động với sức mạnh này, lời loan báo của chúng ta cần tế nhị, để chào đón tất cả. Không được quên điều này: tất cả, tất cả, tất cả. Đừng quên dụ ngôn về lời mời đến dự tiệc mà người ta không muốn đến: “Hãy đi ra các ngả đường, dẫn vào tất cả, tất cả bất luận những người tốt xấu, tất cả” (x. Mt 22,9-10). Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước và kêu gọi tất cả với sự tinh tế, Người ban cho chúng ta sự tinh tế để chào đón tất cả.
Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều rất cần hy vọng. Hy vọng không phải là lạc quan, nhưng là một điều khác. Chúng ta cần hy vọng. Hy vọng chỉ cho chúng ta bờ bên kia. Chúng ta cần hướng mắt về những chân trời hòa bình, tình huynh đệ, công bình và tình liên đới. Đây là con đường duy nhất, không có cách nào khác. Dĩ nhiên, thật không may, việc này thường không hề dễ dàng, đôi khi nó có vẻ quanh co và khó khăn. Nhưng chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc, chúng ta có sự bảo đảm này với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, với những ân sủng của Người, chúng ta có thể cùng nhau bước đi và làm cho nó ngày càng khả thi hơn cho những người khác nữa.
Anh chị em thân mến, chúng ta canh tân đức tin của mình vào sự hiện diện của Đấng An ủi bên cạnh chúng ta và chúng ta tiếp tục cầu nguyện:
Lạy Thần Khí Sáng Tạo, xin hãy đến soi sáng tâm trí chúng con,
lấp đầy trái tim chúng con bằng ân sủng của Ngài, hướng dẫn những bước đường chúng con đi,
xin ban cho thế giới của chúng con bình an của Chúa.
Amen.
Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha cùng cộng đoàn đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.